Đinh Tấn Lực - Biểu Thị Thái Độ Dứt Khoát: IDS Tự Đóng Cửa Để Mở Ra Một Xã Hội Dân Sự


Biểu Thị Thái Độ Dứt Khoát:

IDS Tự Đóng Cửa Để Mở Ra Một Xã Hội Dân Sự

. Đinh Tấn Lực

Gibranids-picture

Kahlil Gibran (1883-1931), trong quyển Lời Thiêng (The Prophet – 1923 – Bản chuyển ngữ của Trần Văn Điền, nxb An Tiêm, 1973), đã liệt kê 9 Điều Khổ của Dân Tộc. Trong đó, điều khổ thứ 6 là: “Khổ cho dân tộc (nào có một chính quyền) lấy chính trị làm xảo kế , lấy triết học làm khoa lừa bịp, lấy kỹ nghệ làm giai đoạn vá víu”.

Không một ai giải thích nổi vì đâu tứ thơ này của một thi hào Li-băng từ gần một thế kỷ trước lại vận vào đất nước CHXHCN Việt Nam suốt mấy thập kỷ qua.

Chủ nghĩa Mác-xít Lênin-nít, nếu không phải là một khoa lừa bịp thì nhân loại đã chẳng đồng loạt đào thải nó trước khi lật trang lịch thiên niên kỷ mới.

Nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy thép Thái Nguyên, nhà máy dệt Nam Định… tuần tự cho tới nhà máy lọc dầu Dung Quất, đã chẳng là thứ kỹ nghệ vá víu giai đoạn đó sao?

Còn các xảo kế chính trị? Người Việt đã tốn bao nhiêu giấy mực, và cả máu xương, để viết về giai đoạn Cướp Chính Quyền, mở đầu cho các “chính sách” Cải Cách Ruộng Đất, tem phiếu hộ khẩu, “chống Mĩ cứu nước”, đốt sách miền Nam, diệt tư sản, tù cải tạo… thậm chí, cả đổi mới, cởi trói, rồi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN… kéo dài cho tới thời báo chí “lề phải”, blogger “thiếu thuế”, hạ màn sắt, cắt màn tre, kè tường lửa… hôm nay?

Xuyên qua nửa thế kỷ nổi trôi vận nước từng bóp nghẹt sức tiến của dân tộc, đặc tính “trước sau như một” của nền tảng xảo kế chính trị còn sót lại đó có thể gút gọn trong vài ba lĩnh vực: Chính sách tình thế – Giáo dục ngu dân – Thông tin một chiều – Chuyên chính bạo lực. Tất cả đã được thể chế hóa bằng các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định v.v…

Vừa mới được đưa vào sử dụng là Quyết định QĐ97 của Chính phủ (về danh mục các lĩnh vực được phép nghiên cứu và cấm các tổ chức nghiên cứu khoa học công bố phản biện công khai), mà theo Viện nghiên Cứu IDS, chính là một cái bẫy.

Về mặt thuật ngữ, tác giả Nguyễn Ngọc (Trở lại với QĐ 97 & IDS - bài 1) cho rằng các cụm từ khóa trong quyết định này “thể hiện tính chuyên chế, độc đoán, một chiều trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Ở xứ này, các QĐ đều nằm trên Luật, trong khi “Luật của Việt Nam vẫn lẽo đẽo theo sau cuộc sống. Điều đáng buồn, nó lẽo đẽo để bám chân ngáng cẳng người dân”.

Xét về động cơ, blogger Mạnh Cường cho rằng QĐ97 ra đời là để giữ ổn định trước một tình thế  “khủng hoảng xã hội đang diễn ra, tệ nạn xã hội và các mâu thuẫn giữa các cá nhân và cả trong và ngoài nước đang tồn tại, trình độ tổ chức quản lý của nước ta còn yếu kém, các thế lực nước ngoài… những thứ mâu thuẫn, chưa thống nhất, không hoàn thiện… mà không có hướng giải quyết dứt điểm nào…  hiện trạng các vấn đề của xã hội không quản lý được”, cũng không loại trừ là sự ổn định này nhằm “giữ cái ghế của mình, đây là lợi ích về cá nhân của Thủ Tướng và tính tạm thời của xã hội đất nước…”.

Trên bề nổi mục tiêu, QĐ 97 được Chính phủ ban hành là nhằm cấm tiệt mọi phản biện của các tổ chức nghiên cứu khoa học, và theo Blogger Đông A, nó “thể hiện sự yếu thế của chính quyền về khả năng phản biện lại phản biện, cũng như khả năng chứng tỏ tính đúng đắn của các chính sách và hoạt động của mình một cách minh bạch và tường minh”.

Còn về tầm nhắm sâu xa, TS Vũ Quang Việt đã giải mã là: “tùy trường hợp mà họ sử dụng quyết định này để chặn đứng, để hạ bệ người nào, hoặc bỏ tù ai đó”. Có lẽ đây không chỉ là tầm nhắm sâu xa, mà còn là chính yếu. Một kiểu nâng cấp đại trà: Mỗi trí thức VN đều là một người tù dự khuyết chăng? Đỡ mất công rà soát hồ sơ nộp thuế của từng người chăng?

*

Chỉ 24 giờ trước khi QĐ97 có hiệu lực thi hành: “Ngày 14-09-2009, Hội đồng Viện (Nghiên Cứu Chiến Lược) IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97”.

Không ai đoan chắc rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, giới trí thức Việt đã đồng loạt Biểu Thị Thái Độ Dứt Khoát như thế. Chỉ biết, Quyết Định Tự Giải Thể này đã vang dội khắp nước, lan ra cả nước ngoài, âm hưởng không khác gì quả bom trên đảo Nhật hồi cuối thế chiến II.

Đa phần các ý kiến đều kết luận rằng QĐ97 xúc phạm đến tập thể trí thức VN, biến trí thức VN thành công cụ, không riêng gì IDS. Nhiều ý kiến nêu cả mối liên hệ đến những quyết định hay thông tư khác, đặc biệt là của Bộ TT-TT, nhằm đè bẹp tiếng nói phản biện của báo giới và bloggers, không riêng gì giới nghiên cứu khoa học. Lại có người cho rằng nhà cầm quyền VN bắt chước Trung Quốc đến mức quá lố: “Đàn áp như vậy thì khó che đậy được bộ mặt của nhóm (cầm quyền) hiện nay”. Có người còn đặt vấn đề xa hơn bằng một câu hỏi treo lửng: “QĐ97 vi phạm hiến pháp VN?”, khiến Bộ Tư pháp phải (nhân danh sự ủy quyền của Thủ tướng) vội vàng ra văn bản phân bua.

Nhìn chung, hầu hết các phản ứng ở trong và ngoài nước đều cảm phục và đồng tình với sự phản đối của IDS, tuy rằng vẫn có đó đây một số ý kiến không đồng nhất về mức độ bày tỏ thái độ tập thể của IDS. Có người tỏ ý tiếc: Giá mà IDS chỉ lên tiếng phản đối QĐ97, nhưng đừng vội giải thể. Lại có người nghĩ rằng, tốt hơn, IDS chỉ nên tuyên bố tạm ngừng hoạt động cho tới khi QĐ97 được bãi bỏ…

Cũng không ít người, nhân vụ việc phản đối của IDS, đã có cùng một nhận định về sự chuyển hướng của tiến trình thay đổi cần thiết cho VN. Tiêu biểu là ý kiến của nhà báo Nguyễn Giang (BBC), cho rằng đó là “dấu chấm hết của xu hướng tự tìm tòi các giải pháp gợi mở cải tổ chính sách từ bên trong hệ thống chính trị-kinh tế ở Việt Nam”. Và ý kiến của ông Vũ Quốc Uy: “Con đường Cải lương nhu mì, tự nó không thể thành công! Và nhờ thất bại ấy, những người đi đầu trong IDS sẽ từ bỏ con đường cải lương, để tìm sang một con đường mạnh mẽ hơn, bộc trực hơn, đỡ ‘cải lương’ hơn. Và cứ thế, rất có thể (có thể thôi) các nhà trí thức ưu tú của IDS sẽ trở thành những nhà cải cách, dân chủ, tiên phong thật sự. Đó là ý nghĩa tích cực của ‘bài học mang mã số 97’. Từ mong ước, tôi cứ mạo muội ‘hình dung’ ra như vậy”.

Nhà báo huy Đức, trên blog Osin, đã cho thêm thông tin liên hệ: “Trước IDS, từ đầu năm 2009, các học giả Harvard và Chương trình Fulbright cũng đã thôi cống hiến cho Chính phủ những bản báo cáo hàng quý hết sức giá trị về tình hình kinh tế”. Kèm theo đó là một nhận xét đáng ngẫm: “Quyết định 97 là một ví dụ đắt giá cho thấy, một khi quy trình ban hành không được phản biện công khai thì chính sách đưa ra không những bất ổn về mặt pháp lý mà còn chứa đựng không ít rủi ro. Có thể nói là những người tham mưu Quyết định này đã không tiên liệu được những tổn thất về uy tín chính trị có thể xảy ra cho người ký”.

Theo ông Vũ Quốc Uy, quyết định tự giải thể để phản đối QĐ97 chính là “lời phản biện mạnh nhất trong những phản biện của tổ chức khoa học ưu tú này”. Tương tự, một độc giả góp ý trên blog QuêChoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết rằng: “tuyên bố này của IDS là hành động phản biện hùng hồn nhất của Viện này từ khi nó được lập ra”.

Rõ ràng, trí thức VN cả quyết, nói như nhà thơ Bắc Phong: “không thể chụm nhau làm cây kiểng”. Cũng không thể mũ ni che tai trước một nhúm người chuyên nghề tiểu xảo chính trị, nói theo nhà thơ Vũ Xuân Tửu, là “dùng cái này che đậy cái nọ / dùng cái nọ biện hộ cái kia / sự loanh quanh và mù mờ / đánh tráo khái niệm”.

Rõ ràng, tập thể trí thức IDS không chấp nhận trở thành “sân sau” của bất kỳ một cá nhân hay một thế lực nào, dù là ở tột cùng trên đỉnh cao của chế độ, một khi chế độ đó liên tục dồn sức kềm hãm sức tiến của dân tộc, lại còn thường xuyên hiển thị bản chất nhu nhược đớn hèn với ngoại bang trong lúc cực kỳ tàn ác với nhân dân.

Rõ ràng, xuyên qua quyết định tự giải thể, IDS đã gửi gắm đến toàn thể trí thức VN ở trong và ngoài nước một thông điệp ngắn gọn và xúc tích nhất xưa giờ: Không thể nào giúp nước bằng cách cộng tác với một nhúm người chủ trương ngăn cấm phản biện, bịt miệng nhân dân để tùy tiện bán nước (có khi chỉ bằng cái giá rất hời 150 triệu đô). Cho dù không một ai trong Viện IDS từ bỏ lý tưởng giúp nước. Cho dù tự giải thể là một quyết định cực đau lòng và đòi hỏi biết bao can đảm.

*

Kahlil Gibran, vẫn trong quyển Lời Thiêng, từng viết: “Can đảm là giác quan thứ sáu tìm ra con đường ngắn nhất dẫn đến thành công”. Lòng can đảm ở đây, thông qua thái độ dứt khoát của Viện IDS đối với QĐ97, quả thật có nhiều tầng nấc, và hàm chứa biết bao bài học:

Một là, bảo vệ giá trị và danh dự của trí thức.

Hai là, công khai phản biện, thông qua các nghiên cứu nghiêm chỉnh lẫn thái độ dứt khoát.

Ba là, không xa rời nhiệm vụ quan sát và bổn phận gióng tiếng: “Chúng tôi cũng giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp”.

Bốn là, tiếp tục đóng góp cho đất nước bằng nhiều phương cách hữu hiệu khác, thông qua mọi diễn đàn công/tư, hay những trang mạng độc lập có số độc giả kỷ lục trên cả nước (như trang mạng http://bauxitevietnam.info, chẳng hạn).

Năm là, bất ngờ phóng chiếu cho cả thế giới chiêm ngưỡng một chế độ ruỗng nát không còn cách nào có thể điều chỉnh từ bên trong, khi mà lãnh đạo của nó chỉ có ưu tiên duy nhất là làm giàu bằng cách duy trì quyền thống trị.

Sáu là, bất ngờ phản chiếu cho nhân dân cả nước, thậm chí cả nước ngoài, có cơ hội so sánh những kiến nghị chiến lược bị bịt kín với những tuyên bố biện giải nhăng nhít ba hoa của các quan chức ở thượng tầng như Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Trọng Phúc, hay Lê Doãn Hợp và Đỗ Quý Doãn v.v…

Bảy là, minh chứng lần nữa lời nhận định của lão tướng Trần Độ nhiều năm trước đây: “Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều… Nó đang làm hại cả một nòi giống”.

Tám là, mở toang cánh cổng một xã hội dân sự bằng những dòng chọn lựa nhập môn: cộng tác hay bất cộng tác – phối hợp hay bất phục tùng… Nói theo tác giả Nguyễn Ngọc: “Hệ mặt trời sẽ không còn là hệ mặt trời, nếu như các hành tinh xoay quanh mặt trời không tuân theo quy luật vận động định sẵn”.

Chín là, khởi động một trào lưu Biểu Thị Thái Độ Dứt Khoát mới, cho trí thức, và cả nhân dân cả nước. Nói như blogger Chu Nam Cương: “Liệu IDS có là đốm lửa nhỏ trên đồng cỏ khô?”. Còn nói như nhà báo/blogger Trần Ngọc Kha: “Thực sự là thời khoá làm Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng đang có nhiều cái sai, rất sai, khiến cho dân chúng rất bất bình. Tôi mà ở cương vị ông ta như thế, tôi đã từ chức từ lâu rồi, thế mới còn liêm sỉ con người”.

*

Điều Khổ Thứ 9, vẫn theo Kahlil Gibran trong Lời Thiêng: “Khổ cho dân tộc khi vị hiền triết câm lặng, khi nhà vô địch mù lòa, khi kẻ biện giải ba hoa”.

Dân ta từng khổ với một nhà vô địch mù lòa, với lắm tay biện giải nhăng nhít ba hoa… Nhưng, chúng ta vẫn còn đây những vị hiền triết nhất định Biểu Thị Thái Độ Phản Biện Dứt Khoát, nhất định không để lũ vô địch mù lòa và đám biện giải ba hoa nọ kéo cả nước xuống hố.

May mắn thay!

Đáng học thay!

23/9/2009

Blogger Đinh Tấn Lực

 

 
Make a Free Website with Yola.