Đinh Tấn Lực - Doãn Ơi! Ta Bảo Doãn Này…


Doãn Ơi! Ta Bảo Doãn Này…

. Ngọc Hà phỏng vấn Đinh Tấn Lực



Nước Nam ta sau này hay hay dở, các nhà báo cũng có phần vào đấy”.
Phạm Quỳnh – 1917.

Trong quy trình thực hiện loạt phóng sự về Dự thảo Luật Báo chí, vào ngày 24-7-2008, hãng Thông tấn Ý Dân đã cử phóng viên Ngọc Hà (NH) đến Chung cư Nguyễn Thiện Thuật gặp gỡ và trao đổi với nhà báo độc lập ngoài luồng Đinh Tấn Lực (ĐTL). Dưới đây là nội dung trao đổi giữa hai nhà báo:


NH: Nhân buổi hội thảo 16.7 để góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã khẳng định “quan điểm xuyên suốt của dự luật là không cho phép thành lập báo chí tư nhân”. Ông đánh giá thế nào về lời tuyên bố đó?

ĐTL: Vâng, thưa bà, từ thời bác Duẫn dự kiến về một tương lai Việt Nam có đầy đủ “đổng-đạp-đài” tới nay, chúng ta không có nhiều danh ngôn để đời. Đây có thể là lần đầu tiên và duy nhất cả thế giới loài người được biết đến một loại dự luật mà tự thân nó có “quan điểm xuyên suốt”. Có lẽ UNESCO sẽ phải sang VN để vinh danh khả năng sáng tạo tư pháp của lãnh đạo ta. Nếu được phép gửi lời đến bác Doãn thì tôi sẽ bảo rằng câu nói đó của bác xứng đáng là một danh ngôn thời A còng ở tầm quốc tế. Thậm chí, xứng đáng được ghi vào trang đầu của hiến pháp mình thời mở cửa.


NH: Ông vui lòng cho biết thêm là dựa vào đâu để ông có những đánh giá đó?

ĐTL: Một là, bác Doãn đã “góp ý” bằng một “khẳng định” chắc nịch, tức là một phản ánh mẫu mực về cung cách ứng xử rất đỗi xã hội chủ nghĩa trong thời dân chủ hóa toàn cầu. Hai là, khẳng định có tính chắc nịch đến mức biến thành quan điểm xuyên suốt cho một dự luật như thế bắt buộc phải đến từ các “Trên”, nhiều phần là “Tận Cùng Trên” của bác Doãn, nghĩa là thêm một phản ánh khác mở mắt cho cả thế giới thấy rõ tính xuyên suốt từ (thượng) đảng qua (trung) chính phủ xuống tới (hạ) bộ và các cơ quan ngang bộ hay dưới bộ. Ba là, tiến trình góp ý này sẽ giúp cho dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) sớm có cơ hội trở thành pháp lệnh, quyết định, chỉ thị… và rất nhiều xác suất nó sẽ mang tính nghị quyết. Bốn là, nên ghi câu danh ngôn này vào hiến pháp, để mọi áp dụng luật và văn bản dưới luật sau này khỏi vướng cái hệ lụy là sẽ bị Luật Sư Đoàn Thành Phố phân tích và chứng minh đặc tính vi hiến của nó.


NH: Điều gì đã khiến ông nghĩ đến yếu tố vi hiến?

ĐTL: Rất tiếc tôi không có chân trong Luật Sư Đoàn Toàn Quốc đang khập khiễng trên đường hình thành để phán về điểm này cho có trọng lượng cân xứng trong cái xã hội trọng bằng, trọng chức và trọng đô hiện giờ. Tuy nhiên, ở cương vị của một công dân không mù chữ, có thể đọc suốt các ấn bản thời cửa khép lẫn cửa mở của hiến pháp mình, thì ngoài dòng chính của điều 69 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, tôi dám đánh cược với bất kỳ ai có thể tìm đâu ra một dòng nào trong các bản hiến pháp đó nghiêm cấm tư nhân ra báo.


NH: Ở một góc nhìn khác, về lịch sử báo chí nước nhà, thì trước năm 1945, trong thời kỳ Pháp thuộc, VN khi đó cũng là nước lạc hậu nhưng đã có báo chí tư nhân rồi. Vậy tại sao bây giờ VN lại không có, và tương lai không thể có, không lẽ VN còn lạc hậu hơn xưa?

ĐTL: Hình như câu này đã có người hỏi từ lâu rồi, thưa bà, từ đận xuất hiện chỉ thị 37-xê bê lận, và cũng đã có một nhà báo trả lời rất đỗi trung thực, rằng: “Ồ, đây là một bước lùi lịch sử!”. Cho phép tôi miễn nêu tên cả người hỏi lẫn người trả lời, nhưng cũng xin được bày tỏ ý kiến riêng là tôi hoàn toàn tán đồng nhận định đó: Vì sự thống nhất chủ nghĩa trên cả nước, chúng ta đã vinh quang hy sinh trên ba triệu nhân mạng để đổi lấy khúc ca chiến thắng. Rồi vì sự tồn tại của chủ nghĩa trên đất nước này, chúng ta cũng đã từng vinh quang hy sinh thêm toàn bộ khát vọng và tương lai của biết bao thế hệ để mầy mò sai sửa-sửa sai thực hiện liên tục nhiều bước lùi mọi mặt, đặc biệt là những bước lùi về kinh tế xuống mức ngửa tay rút ruột, bước lùi về văn hóa Chí Phèo lấy nhà tù và các bản án làm thế chấp chính trị, bước lùi về ngoại giao kiểu chư hầu ôm 16 chữ vàng khấu tấu, hay các bước lùi địa dư về lãnh thổ cả trên đất liền lẫn ngoài khơi Đông Hải… thì hà cớ gì không thể có bước lùi lịch sử chớ?


NH: Hóa ra ông đồng ý về bước lùi lịch sử của nền báo chí VN?

ĐTL: Gần đây, bà Karin Karlekar báo cáo kết quả nghiên cứu của tổ chức Freedom House “cho thấy tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua không có tiến bộ gì nhiều so với năm trước đó. Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm các nước ở cuối bảng trong số 194 quốc gia được khảo sát, với số điểm rất tệ”. Đó là bà ấy làm một so sánh gần và có tính khoa học. Còn bà thì cố ý đưa cuộc phỏng vấn vào một so sánh khá xa và phần nào có tính khiêu khích. Tôi cho rằng chúng ta không nên so sánh lãnh đạo ta với bọn thực dân Pháp thời trước năm 1945. Bọn nó bảo là đến đây để “khai hóa” dân ta, nhưng các quyết định cho phép tư nhân người Việt ra báo thời đó đã chứng tỏ rằng chính họ mới là những kẻ không thể ở tầm “đỉnh cao trí tuệ”, một khi họ cố giữ lấy chút nhân bản. Chính họ mới là những người cần lãnh đạo ta khoan hồng “khai hóa” cho, để sớm quay về nguồn gốc Darwin của họ.


NH: Vậy thì hãy thử nhìn ra ngoài. Hầu hết các nước tiên tiến đều chủ trương tự do báo chí, có nghĩa bao gồm cả tự do đọc báo, tự do viết báo, tự do in báo, tự do ra báo… mà hầu hết đều do tư nhân đảm trách, và họ tiến xa hơn ta nhiều thập kỷ. Ông nghĩ sao về so sánh đó?

ĐTL: Bà kể ngần đó là chưa đủ! Rõ ràng là chúng ta có tự do bán báo đó chứ! Đây là quyền đứng đầu của toàn dân, đặc biệt là của hàng chục vạn trẻ con bỏ học hàng năm, bà quên rồi sao? Nhưng mà, chậc(!), nhìn chung thì những câu hỏi của bà chưa kịp rời chiều sâu là đã quay ngay sang diện rộng. Tôi đề nghị là chúng ta cũng không nên so sánh VN với các nước tiên tiến. Đó là bọn pháp quyền chưa bao giờ biết đến công sức và máu xương của quy trình cuớp chính quyền và giữ lợi quyền. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bảo rằng: “Chừng nào chưa có một nền pháp trị vững mạnh và nền kinh tế thị trường lành mạnh thì khó tạo ra tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khó đưa ra các ràng buộc đối với quyền lực, và khó đấu tranh chống tham nhũng, khó nâng cao nhận thức của người dân, và các phương tiện truyền thông báo chí khó có thể làm tốt vai trò giám sát của mình trong chống tham nhũng”. Tôi e rằng ông A đã nhầm to: Báo chí ở đây nào có cái chức năng giám sát viển vông và xa xỉ đó, lại còn đòi giám sát chống tham nhũng thì hóa ra báo chí chống đảng à? Cho phép tôi nói thẳng nói thật: Ngay chính bà cũng nhầm nốt. Báo chí tự do phải nằm trong thể chế tự do, sao lại đòi báo chí tự do ở đây?


NH: Thôi được, ông vừa mới đề cập đến chức năng. Vậy theo ông thì chức năng của báo chí VN hiện giờ là gì?

ĐTL: Tự tôi trả lời thì e rằng thiếu chính xác hay thiếu khách quan. Ngay cả bác Tô Huy Rứa, Bí thư TƯ Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia, đương kim Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, mà còn phải dựa vào nguyên văn Nghị quyết 5 khóa X, ra hồi tháng 9-2007, để định nghĩa về chức năng của báo chí kia! Theo đó, “Báo chí là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”. Bà cứ đọc kỹ đi. Phải đọc đi đọc lại nhiều lần cơ. Thấy chưa: Nhân dân có diễn đàn, nhưng chỉ có đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội mới có tiếng nói. Thế thì âm thanh đó từ đâu mà phát ra? Cũng chính bác Rứa đã triển khai rõ ra rằng: “Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”. Có cần hỏi Luật do ai đặt ra không? Không à? Vậy thì căn cứ vào đó, luật báo chí VN “cấm báo chí tư nhân” là điều tất yếu, bình thường thôi. Chỉ có kẻ thiểu trí mới không hiểu rằng đảng và nhà nước cần phải quản lý tốt cái mồm nhân dân, cả ăn lẫn nói, cho nên mới có chính sách hộ khẩu đếm rõ mỗi nhà mấy miệng, chứ không phải mấy người. Và cũng chỉ có kẻ thiểu trí mới không hiểu rằng cái gì không quản lý nổi thì đảng và nhà nước ta cấm ngay, cấm suốt, và cấm tất tần tật. Bóp miệng là đói. Bịt mồm là câm. Lấy đâu ra ý kiến? Dám có ý kiến à? Đó là quy luật khởi đầu của mọi thứ luật. Đảng ta đã nắm chặt cả 3 quyền hành pháp lập pháp và tư pháp thì tại sao lại phải buông cái đệ tứ quyền này chứ? Kẻ nào đòi thêm là chứng tỏ chẳng biết gì sất về các cửa hàng mậu dịch của ta thời bao cấp vàng son. Cũng chẳng biết gì sất về chế độ ưu việt Cho Gì Ăn Nấy của ta, từ lương thực bo bo, mì sợi… cho chí thức ăn tinh thần như báo chí, tin tức, văn thơ….


NH: Nghị quyết 5 ghi thế, nhưng thực tế đâu đã hẳn toàn dân đã bị phân cấp thiếu đói, đói, và đói gay gắt về mặt báo chí đâu nào?

ĐTL: Không, nhân dân đã và sẽ tiếp tục no nê có chọn lọc, thưa bà, nếu tính từ góc nhìn của giới làm báo chính quy hiện nay. Trong bản góp ý gửi đến hội thảo, báo Thanh Niên đã “so bì” rằng quy định mức thuế 25% đối với báo chí giống như doanh nghiệp là không công bằng, “vì báo chí là công cụ tuyên truyền của Nhà nước”. Gần đây, tờ Thanh Niên được coi là “tiến bộ” trong lãnh vực đưa tin nóng, thế mà còn định nghĩa chức năng báo chí là công cụ tuyên truyền của nhà nước kia. Vậy thì đã rõ nhé: Báo chí là để phục vụ nhà nước. Qua đó mà nhân dân ta, nhờ ơn đảng, mới có được các cha già dân tộc và loi nhoi lúc nhúc các chú các bác… Qua đó mà mọi giai cấp nước ta, lại nhờ ơn đảng, mới được cảm thấu lời thơ “Tiếng đầu đời con gọi Xít-ta-lin”, hoặc, mới biết được lịch sử ta có anh hùng Lê Văn Tám tự tẩm dầu vào người làm ngọn đuốc sống đốt cháy kho đạn Thị Nghè… Qua đó mà thế giới mới biết tiến độ xóa đói giảm nghèo 531 của toàn dân ta là liên tục khả quan, cộng thêm tỷ lệ cử tri đi bầu của ta thuộc hàng cao nhất hành tinh… Qua đó mà đại bộ phận quần chúng nhân dân ta mới biết ra và đề phòng được âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, còn hầu hết những tay khủng bố ác ôn chuyên in và tán phát truyền đơn đấu tranh bất bạo động ở đây đều đã bị trục xuất… Qua đó mà độc giả mới biết được sự bất lợi mọi mặt của cuộc chiến Iraq… Qua đó mà cả nước mới biết được có cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ của các “du khách” người Trung Quốc độc bá cuộc rước đuốc Olympic 2008 ngang qua thành phố này… Qua đó mà nhân dân cả nước mới yên tâm rằng chính phủ ta đã liên tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng hàng chục năm qua và gần đây nhất là sẽ quyết tâm chống khủng hoảng lạm phát…. Báo chí nhà nước phục vụ cho nhà nước thì mới được vậy. Báo chí tư nhân của dân thì nhằm phục vụ cho ai? Chớ nên vớ vẩn!


NH: Chức năng như vậy thì đã rõ rồi, nhưng cụ thể tính ra nhiệm vụ của báo chí thì thế nào, thưa ông?

ĐTL: Theo tác giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh thì: Nhiệm vụ, quyền hạn (của báo chí) mới chỉ là “thông tin”, “tuyên truyền”, “phản ánh”, “phát hiện” chứ không thấy có “phản biện”. Người ta có thể hiểu ước muốn của nhân dân nói chung và của bạn Vinh nói riêng, là tiên chứ không phải là voi, nhưng cũng đừng để lộ tính “được voi đòi tiên” như thế. “Tuyên truyền” là nhiệm vụ và quyền hạn to nhất và quan trọng nhất của báo chí, ta đã có rồi thì các thứ linh tinh khác đều là thứ yếu và cần được sắp sau cả mục quảng cáo rao vặt. Riêng nhiệm vụ “phản biện”, nhằm để quân bình hóa các cực lý luận và cân bằng quyền lực trong xã hội, hoặc để phô diễn hình ảnh trung thực nhất của xã hội và khát vọng cấp thiết nhất của quần chúng, thì lại quá gần gũi với “phản động”… thì quan điểm xuyên suốt của ta là không nhất thiết phải đề cập tới…


NH: Nói thế có nghĩa là ông thích đi đường một chiều, trên lề phải?

ĐTL: Hãy nhớ là báo giới chúng ta trước đây, hiện nay và cả con cháu chúng ta đang được đào tạo trong ngành báo chí, qua nhiều thập kỷ, qua nhiều thế hệ, đã từng được võ trang trí óc bằng nhiều loại giáp sắt và kim cô tư tưởng có khi đã trở thành tâm niệm của Hội Nhà Báo từ lâu rồi cũng nên: Một là phải ra sức bảo vệ một nền văn hóa gia trưởng: luôn luôn treo ảnh “bác” trong nội dung bài viết, luôn luôn so sánh lãnh đạo với cha mẹ, và không một ai có quyền tranh luận với cha mẹ; Hai là phải ra sức giữ gìn nền văn hóa minh họa: làm sáng chỗ mờ, làm nhòe chỗ hở của lãnh đạo; Ba là phải ra sức phát huy nền văn hóa phải đạo: dẹp cất lương tri để làm vừa lòng lãnh đạo, bất luận đúng sai, bất kể phải trái; Bốn là phải ra sức bảo toàn nền văn hóa chim mồi: chỉ gáy khúc trong lồng, bảo hót là hót, bảo tắt là tắt, thậm chí có đứa bảo sơn là sơn, bảo thái là thái nữa; Năm là phải ra sức cũng cố nền văn hóa đồng phục: một đứa viết, ký tên TTXVN, 600 đứa “luộc” lại và ký tên riêng; Sáu là phải ra sức thăng hoa nền văn hóa tự hoạn: nghĩa là tự phát triển độ nhạy cảm bên dưới lưỡi gươm treo, tự thuần hóa cách viết sao cho đừng phạm vùng húy kỵ có thể bị tru di tam tộc…. Vậy thì có thật là VN ta có loại đường nào khác không, để mình có thể chọn chiều và chọn lề, theo sở thích, nếu vẫn còn tiếp tục loay hoay trong vòng rào báo chí chính quy?


NH: Có người Chẩn Bệnh Báo Giới Chính Quy gồm các chứng: 1) Đạo đức đầy mình; 2) Là thầy thiên hạ; 3) Trung tâm dư luận; 4) Chân lý trong tay; 5) Biến kiến thành voi. Tôi cho rằng đó không chỉ là bệnh mà còn là thiên tài nữa. Vậy thì phải lấy cái gì làm chuẩn mực cho các loại vòng kim cô mà ông vừa kể bên trên?

ĐTL: Hãy tạm mượn nhận định của bác Doãn để trả lời câu này: “Một vấn đề không kém nghiêm trọng khác là Luật đã quy định rất rõ một số thông tin thuộc diện bí mật quốc gia, không được phép đưa lên báo chí nhưng một số báo vẫn vi phạm, đưa tin nhưng không tính đến hậu quả. Tình trạng vi phạm quy định này đã gây nên những ảnh hưởng rất xấu”. Qua một vài thời sự nóng gần đây, hẳn bà cũng đã nhận ra: Tham nhũng là bí mật quốc gia. Chà đạp nhân quyền là bí mật quốc gia. Tổng cục 2 là bí mật quốc gia. Dân oan khiếu kiện là bí mật quốc gia. “Trên bảo dưới không nghe” là bí mật quốc gia. Hệ quả Cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm, Xét lại, tận diệt Tư sản mại bản, Kinh tế mới, Tù cải tạo v.v… đều là bí mật quốc gia. Lãnh thổ và biên thùy đất nước tất nhiên đều là bí mật quốc gia. Thậm chí, kiến nghị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hoặc bản dịch “Thế nào là dân chủ” từ trang mạng của Đại sứ quán Mỹ cũng là bí mật quốc gia… Các ông Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đều bị truy tố về tội làm lộ bí mật quốc gia (theo điều 263 Luật hình sự) sau khi đã kiểm và đưa tin về vụ quan chức PMU18 cá cược hàng triệu đô la tiền dự án đấy! Nói chung là đảng ta kỵ sự thật. Cho nên tất cả sự thật ở đây đều có tính mật, tối mật, hay tuyệt mật… Tất nhiên, hũ mắm nào mà không bốc mùi khi mở nắp? Các loại vòng kim cô đều có chức năng trước tiên và sau cùng là khằn kín các nắp hũ đó lại.


NH: Thế nhưng, ông Đỗ Quý Doãn cũng đã từng long trọng khẳng định rằng: “Truyền thông Việt Nam không chịu sự kiểm duyệt trước khi in và phát sóng”…. Lẽ nào biện pháp của nhà nước chỉ dựa trên điều 263 của bộ Luật hình sự, và trên lệnh tịch biên hay thu hồi các ấn phẩm “phạm húy”?

ĐTL: Lãnh đạo ta vẫn một lòng một dạ tin rằng Mặt Trời Mọc Là Nhờ Gà Gáy, không thể sai chạy vào đâu được. Vậy thì nhân dân cả nước cũng đều có bổn phận phải tin chắc như thế. Cho nên, đích nhắm và cũng là “thiên chức” của báo giới là phải huớng dẫn nhân dân kiên định niềm tin chắc nịch đó, thông qua mọi thành tích cần được tuyên dương rộng rãi mà toàn đảng toàn dân báo cáo đã phấn đấu đạt được trong từng kế hoạch, kể từ kế hoạch nhỏ của học trò nhặt giấy vụn cho tới các kế hoạch lớn vận động khất nợ hay xóa nợ viện trợ. Mỗi nhà báo trong Hội đều phải luôn luôn tự nhủ rằng mọi báo cáo hoặc thông tin vượt ra ngoài vùng giới hạn đó đều đi ngược niềm tin rạng đông và đường hướng thành tích mà đảng đã vạch. Giả dụ như thông tin của nhà báo Kim Hạnh, về một góc sinh hoạt đời thường của “bác”, chẳng hạn, thì thử hỏi... thành tích nào ở đó? Nói theo cách của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh thì đó chỉ là “tiếng gà trưa gáy khan bên đồi”. Không có một tiếng gà trưa nào có thể khiến mặt trời mọc vào giờ Ngọ, tất yếu là phải tắt thôi! Có những tiếng gà trưa đã từng bị tắt tị nửa chừng giọng gáy, ví dụ như trường hợp vụ án Năm Cam trước lệnh miệng của cựu UV/BCT Nguyễn Khoa Điềm, hay vụ án PMU-18 truớc lệnh miệng của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nổi tiếng về lời tuyên bố trân quý lời nói thật, chẳng hạn. Tất cả các bài báo bị thu hồi chỉ phản ánh duy nhất mỗi điều là tính quý hiếm của những tiếng gà trưa lẽ ra đã bị tuyệt diệt từ lâu.


NH: Ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Khác với các hội nghề nghiệp thông thường, Hội nhà báo còn là một tổ chức chính trị khá đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho báo chí thông tin xã hội”. Như vậy, ngay cả trong hệ thống báo chí chính quy, với hàng tá vòng kim cô cộng thêm một Hội Nhà Báo định hướng hữu hiệu, mà nhà nước còn sợ những mặt trời giờ Ngọ như thế, thì người ta có thể hình dung ra nỗi sợ đó bao la cỡ nào đối với một viễn cảnh báo chí tư nhân, như Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn triển khai cụ thể rằng: “Phải khẳng định quan điểm thế này: Chúng ta không chấp nhận việc để tư nhân núp bóng báo chí để hoạt động. Trong hoạt động báo chí, tư nhân có thể tham gia vào một số khâu như phát hành, quảng cáo. Còn dứt khoát không được can thiệp vào mặt nội dung hay quy trình xuất bản báo”. Ông thấy thế nào?

ĐTL: Theo tôi thì trong lời khẳng định quan điểm đó, cụm từ khóa là “tư nhân núp bóng báo chí để hoạt động”. Điều này đã được báo động đỏ trong Nghị quyết 5 khóa X hồi năm ngoái: “Khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để kinh doanh báo chí ngày càng tăng”. Còn trước đó nữa, từ ngày 29-11-2006, chính bác Dũng đã ký chỉ thị 37-CP với nội dung "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước". Mà cha đẻ của chỉ thị 37-CP là “Thông báo Kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”. Vậy thì, dưới góc nhìn của Bộ Chính trị, tư nhân là ai, nếu không phải là người ngoài đảng, tức là dân? Còn lợi ích đất nước ở đây là gì nếu không phải là lợi ích của đảng, một khi đảng đã tự đồng hóa với đất nước từ lâu? Rõ ràng là đảng sợ dân hoạt động, dù là mặc áo trắng ra đường nói lên sự thật hay mặc áo đỏ núp bóng báo chí mà nói lên sự thật. Lằn ranh chính trị giữa đảng và dân chính là ở chỗ đó. Lằn ranh này đã lung lay từ chỉ thị 37-CP kéo dài tới Nghị quyết 5 khóa X. Lằn ranh này lại càng lúc càng mong manh trước sức tiến vũ bão của tin học và sức bung dũng mãnh của giới blogger. Cho nên, đảng phải di dời hay phải tô màu nó lại thành một nhịp cầu kinh tế: Dân nên góp tiền nhưng đừng góp tiếng. Cái này đã có người hồ hởi phóng tác thành “xã hội hóa báo chí”. Tương tự như xã hội hóa giáo dục là dân đóng tiền trường, hay xã hội hóa y tế là dân đóng tiền nhà thương…


NH: Thoảng nghe như đâu đây có mùi khen khét của món vịt Bắc Kinh…

ĐTL: Độ nhạy cảm của bà quả là không thấp! Ngay trong buổi hội thảo về cái Quan Điểm Xuyên Suốt mà bà lấy làm đề tài trao đổi hôm nay, G.S Hu Zhengrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Bắc Kinh đã chia sẻ như sau: “Tại Trung Quốc, Nhà nước vẫn giữ sở hữu chi phối đối với báo chí. Chúng tôi chưa có loại hình báo chí tư nhân. Tuy nhiên, do nhiều tờ báo được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên tư nhân cũng được khuyến khích mua cổ phần, tức là tham gia sở hữu một phần đối với tờ báo”. Hai cụm từ khóa ở đây là “nhà nước sở hữu chi phối báo chí” và “tư nhân sở hữu cổ phần vốn làm báo”. Vậy thì từ thời Cải cách Ruộng đất tới thời Tam Sa hiện nay, có cái gì là ta không nắm lấy thắt lưng thằng Trung Quốc mà …đeo đâu?


NH: Có lẽ chúng ta không nên mất thêm thì giờ vào đường lối đối ngoại. Hãy quay về với báo chí VN và mong ông cho biết ý kiến cùng quan điểm riêng của ông về sự liền lạc giữa Chỉ thị 37-CP với Quyết định 77/2007 QĐ.TTg và bản Dự luật Báo chí (sửa đổi) trước mặt?

ĐTL: Đi trước và lót nền cho ba văn kiện mà bà vừa kể, còn có cái Chỉ thị 31-CP mà chúng ta không được phép quên nữa. 31-CP là để bắt giữ bất kỳ ai. 37-CP là để bịt mồm bất kỳ ai. 77-QĐ.TTg là để thu hẹp cái phểu thông tin một cửa qua người phát ngôn của từng cơ quan. Còn dự luật báo chí trước mặt chỉ là một con dấu hợp thức hóa các chỉ thị và quyết định rời đó thành “luật”.


NH: Đó chỉ mới là ý kiến của ông về sự liền lạc của chúng. Ông chưa trình bày quan điểm xuyên suốt của ông trước dự luật báo chí (sửa đổi) mà chúng ta đã trao đổi nảy giờ!

ĐTL: Thứ nhất, luật pháp ở đây là của đảng, thì không lý gì là làm ra để bảo vệ dân. Thứ hai, chính sự phục tùng vô điều kiện của nhân dân mới đưa tới những bộ luật ngày càng bảo vệ bộ phận thống trị chặt chẽ như thế. Thứ ba, không ai buộc ta phải tự trói mình trong một cơ chế chính quy và tuân thủ những điều không do ý của mình hay chính mình không vừa ý (làn sóng công nhân viên chức rời bỏ khu vực nhà nước lên mức báo động là điều đáng ngẫm cho chính mình). Thứ tư, chỉ có những cá nhân hay tổ chức hết lòng thiết tha với một tương lai cất cánh của dân tộc mới chủ trương và xả thân đấu tranh cho tiến trình tư nhân hóa báo chí. Thứ năm, mỗi người trong chúng ta hãy đi tìm và liên kết với họ chứ đừng “đứng ngồi không yên” với bản dự luật này, tức là hãy tự thoát ra khỏi lồng để bay nhảy chứ đừng ở đó chê lồng chật. Thứ sáu, trong khi chờ đợi, hãy tự mình làm một blogger độc lập, để mỗi người dân trở thành một phóng viên săn tin, kiểm tin, viết tin và trình bày cảm nghĩ thật của mình về mọi hiện tượng lớn nhỏ xảy ra trong xã hội. Thứ bảy, hãy ra sức hỗ trợ phong trào Dân Báo và tự mình viết luật báo chí tự do bằng những ứng xử tự trọng và ý chí tự quyết của chính mình. Thứ tám, hãy tham gia đọc bài, gửi bài, góp ý cho Câu Lạc Bộ/Hội Nhà Báo Tự Do. Thứ chín, hãy gióng tiếng bênh vực các ký giả, phóng viên viết thẳng nói thật và hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho họ và gia đình của họ. Sau cùng, thứ mười, hãy giúp cho Bộ Chính trị cất dẹp ý niệm phòng chống việc “núp bóng báo chí” để viết bản Tổng kết Công tác Thông tin và Truyền thông năm 2008 rằng: “Hoạt động báo chí của VN ta ngày càng tiến gần đến tầm vóc truyền thông chuẩn mực của loài người”.


 

Make a Free Website with Yola.