Ngọn Đèn Con Đòi Lay Gió Cả
Lộng Trời Xanh – Con Rắn Nước Vẽ Bùa
Năm ngoái, trên trang mạng của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 24-4-2006, một bài viết của học giả Carl Thayer có tiên đoán rằng: “ông Nguyễn Minh Triết, 64 tuổi, người tỉnh Bình Dương, đã giữ chức bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000, được nhiều người coi là một nhà cải cách đã góp phần thúc đẩy bộ máy kinh tế của cả nước…. Nếu ông Triết đắc cử thì Việt Nam sẽ có sự chuyển biến trong chức vụ chủ tịch nước, từ một nhà địa chất qua một người có rất nhiều khả năng và thành tích giúp Việt Nam hòa nhập vào thế giới bên ngoài“.
Trong đoạn trình bày trên đây của học giả Carl Thayer, có 3 điểm cần được nói rõ thêm:
Một là, nhân dân tỉnh Bình Dương đều biết tường tận con người ông Nguyễn Minh Triết, từ thời ông còn là Tỉnh ủy Sông Bé, đã độc quyền tổ chức vượt biên bán chính thức để thu vàng khối trong những năm cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, và đã tích cực góp phần thúc đẩy bộ máy kinh tế của ông nói riêng, và của công an Sông Bé nói chung, theo cách hiểu nôm na của quần chúng nhân dân về “bộ máy kinh tế”.
Hai là, ông Nguyễn Minh Triết, và cả Kỹ sư Địa chất Trần Đức Lương, người tiền nhiệm của ông, chỉ được quốc hội VN hợp thức hóa chỉ thị của Bộ chính trị (BCT), chứ không từng được bất kỳ người dân VN nào bầu cử cả. Tức là, trên bình diện cả nước, ông chưa từng tranh cử và đắc cử lần nào. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã từng khẳng định tại buổi họp mật của Bộ Chính Trị ngày 2-11-2004 ở Hà Nội, rằng: “…Trong bang giao quốc tế, khi tiếp xúc với những nhân vật lãnh đạo do dân bầu, trong khi mình cũng là lãnh đạo nhưng lại không do dân bầu, thì vấn đề ngoại giao cũng vất vả lắm chớ không đơn giản đâu…”. Cái không đơn giản đầu tiên là những điều mà lãnh đạo không do dân bầu của ta “xin thay mặt nhà nước và nhân dân VN để…” thế này, thế kia… đều chỉ có giá trị của sự lếu láo cao độ.
Ba là, về khả năng và thành tích của ông Triết giúp VN hòa nhập vào thế giới bên ngoài, thì còn cần phải được xét lại, dựa trên những hoạt động đối ngoại của ông từ khi nhậm chức đến giờ.
Vào cuối tháng 2 năm 2007, Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Minh Triết đã có 3 ngày thăm viếng hữu nghị xứ Chùa Tháp. Ông đã phải đối diện với một cuộc biểu tình khá lớn của sư sãi và cư sĩ người Miên gốc Việt tại đây nhằm đòi hỏi quyền tự do hành đạo cho các giáo hội ngoài quốc doanh ở trong nước. Theo bản tin của VOA ngày 27-2-2007, một lực lượng hùng hậu cảnh sát chống biểu tình của Campuchia đã được huy động để bảo vệ vị quốc khách của họ tại đây. Trong trường hợp cựu CTN Trần Đức Lương hay bất kỳ ai khác trong BCT của ta sang đất Chùa Tháp, thì cảnh sát Nam Vang vẫn phải làm cùng một công việc bảo vệ đó. Tức là, nguời ta chống toàn bộ lãnh đạo của ta, chứ không chỉ chống riêng cá nhân CTN Nguyễn Minh Triết hay bất kỳ một cá nhân nào trong ban lãnh đạo Hà Nội.
Ngày 21-5-2007, Tổng thống Đức Horst Köhler, nguyên thủ Âu châu đầu tiên viếng thăm Việt Nam sau “những ngày đen tối nhất của nhân quyền Việt Nam“, theo lời một tổ chức nhân quyền Đức. Trong diễn văn đọc tại bữa tiệc khoản đãi vào buổi tối hôm đó, Tổng thống Köhler, cũng là nguyên TGĐ Ngân Hàng Thế Giới, đã nói rõ quan điểm của ông đối với sự kiện những nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt giam hàng loạt ở VN trong mấy tháng gần đây: “Tinh thần thượng tôn pháp luật, sự công bằng và sự minh bạch không phải chỉ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Chúng sẽ tạo nền tảng cho một xã hội tân tiến, một xã hội mà những công dân của nó có thể tham gia vào việc xây dựng một cách cởi mở và với tinh thần phê phán. Tôi đã ý thức rất rõ khi dùng chữ phê phán, bởi vì sự đa dạng về quan điểm không chỉ là một điều vô cùng bình thường trong một xã hội tân tiến, mà nó còn góp phần cho việc xây dựng xã hội đó nữa“. Trong cuộc họp báo với các phóng viên quốc tế ở Hà Nội tiếp theo sau buổi gặp gỡ với CTN Nguyễn Minh Triết, ông Köhler đã tuyên bố: “Tôi đã thông báo cho ông Triết biết về sự lo ngại của Âu châu trước chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam”. Lo ngại là từ ngữ ngoại giao được dùng thay cho chữ phản đối. Đáp lại lời khuyến cáo của Tổng thống Köhler, CTN Nguyễn Minh Triết vẫn cho rằng “Việt Nam cần giữ ổn định chính trị hơn, và chỉ bắt tù những người vi phạm pháp luật“. So ngược lại những vụ bắt bớ mấy tháng qua, ai cũng thấy, rõ ràng, chức năng đầu tiên của pháp luật VN ta là phải có sẵn một tội danh phạm pháp nào đó cho mỗi người dân. Điều này nhắc nhớ đến bức Thư Ngỏ Gửi BCH/TƯ/ĐCSVN trước đây của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: “Chủ trương ổn định chính trị tức là muốn xây dựng một chính quyền vì chính quyền. Điều đó không nên làm và không thể làm được“. Còn theo Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do ngày 27-6-2007, thì “cái mà người ta gọi là sự ổn định có khi chỉ là sự tồn tại của một hệ thống lạc hậu“.
Cũng trong tháng 5-2007, ngay sau chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nghe đâu CTN Nguyễn Minh Triết lại phải vất vả thân hành sang triều kiến Bắc Kinh. Ngày 31-5-2007, CTN ta còn phải tăng ca tiếp đón trọng thể ngài La Cán, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, ngay tại Hà Nội. Nếu ông Carl Thayer coi đây là một thành tích đối ngoại, thì người VN hẳn phải coi lại thiện chí của vị học giả này.
Nửa tháng sau đó, CTN Nguyễn Minh Triết sang Mỹ, “dinh lũy cuối cùng của bọn đế quốc đang dẫy chết”. Ông đã chuẩn bị thế nào và đã được đón tiếp ra sao?
Binh Lửa Bay Rồng Đá – Còn Đây Vũng Trâu Đầm…
Giáo sư Phạm Hoàng An (bút danh Anh ngữ là J. Peter Pham), Giám đốc Viện Nghiên cứu Nelson về Quốc tế và Công chúng Sự vụ của Đại học James Madison (Mỹ), trên tuần san Anh ngữ Asian Times gần đây, đã khuyến cáo rằng: “Chính quyền Bush không nên bỏ qua những lợi điểm về địa chính trị và chiến lược Việt Nam đang đưa ra để có ‘bảo đảm an ninh’ chống lại bất cứ sự xâm lấn dần về phía Nam của Trung Quốc trên con đường xây dựng vị thế đại cường“. Trên tạp chí National Interest Online ngày 11-6-2007, Gs An còn nhấn mạnh rằng: “Việt Nam là chướng ngại lớn nhất của Trung Quốc trong việc bành trướng và kiểm soát khu vực này“. Điều đó cho thấy rằng những chuyến đi khấu tấu của lãnh đạo ta nhằm trấn an hay hứa hẹn với Bắc Kinh trước chuyến công du Hoa Kỳ của CTN Nguyễn Minh Triết có thể hiểu là một việc tất yếu, không có không được.
Nó chỉ không tất yếu đối với Mỹ, bởi vì, theo Giáo sư Brantly Womack, một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung của Đại học Virginia (Mỹ), thì “lý do cơ bản khiến Hoa Kỳ phải lưu tâm nhiều hơn tới Việt Nam là những lý do có liên hệ với chính bản thân Việt Nam, chứ không phải vì mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc“. Từ đó, bên cạnh lý do chính yếu là các chiến dịch ruồng bắt các nhà dân chủ ở VN, có thể nỗ lực khấu tấu nói trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến bộ phận truyền thông của Nhà Trắng đã thả bóng dư luận trên nhật báo Anh ngữ The Straits Times của Singapore, rằng Mỹ sẽ không đón tiếp CTN Nguyễn Minh Triết như quốc khách; và sau đó phóng thêm tin là chính phủ Mỹ có thể sẽ đình chỉ chuyến công du của ông Triết. Thi sĩ Bùi Giáng cũng từng thả đâu đó mấy câu lục bát nghe cứ vang như Sấm: “trái mít ra quả sớm chiều – đại ca chủ tịch còn nhiều bận tâm…“.
Trên thực tế, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị và chính thức tổ chức nhiều lần các cuộc tiếp xúc trao đổi về đề tài Nhân Quyền & Dân Chủ của VN với đại diện các tổ chức Dân chủ hóa VN trước khi tiếp đón CTN Nguyễn Minh Triết:
§ Ngày 15-3-2007, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã chia sẻ với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm rằng trong bang-giao Việt-Mỹ, Hà Nội đừng nên nghĩ là chỉ có một bên là Bắc Bộ Phủ và bên kia là Nhà Trắng. Theo ông Webb, cuộc bang giao đó là một thế tay ba, và một góc của tam giác đó là gần 2 triệu người Việt thành công vượt bực mà giờ đây đang mang quốc tịch Mỹ.
§ Ngày 18-4-2007, trong bức thư gửi cho bà Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Dân biểu Frank Wolf đã viết: “Cuối cùng, tôi nghĩ là Cộng đồng người Mỹ gốc Việt… phải được tham dự vào trong mọi cuộc đối thoại với lãnh đạo của Hoa Kỳ trong tương lai…”.
§ Ngày 29-5-2007, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa Tổng thống George W. Bush cùng Phó tổng thống Dick Cheney với các ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân; ông Đỗ Thành Công, đại diện Đảng Dân Chủ Nhân Dân; Ông Lê Minh Nguyên, đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền; và Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đại diện của Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao Trào Nhân Bản. Hai người khác được mời nhưng không có điều kiện đến dự là Kỹ sư Đỗ Nam Hải và Giáo sư Nguyễn Chính Kết, đại diện của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền ở VN. Theo phóng viên Tâm Việt thì về mục tiêu, “đây là một cuộc gặp gỡ mà ông Bush nhắm được trao đổi thực sự với một số tổ chức hay lực lượng chính trị hiện đang hoạt động ở trong nước chứ không phải chỉ là với cộng đồng các nơi, hay những tiếng nói cá lẻ trong phong trào dân chủ đang phát triển mạnh ở VN”. Còn theo nội dung trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, ông Đỗ Hoàng Điềm cho biết: “Tổng thống Bush ngỏ ý muốn tìm hiểu về tình trạng tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam… Sau đó ông Bush có nói rất rõ ông muốn lắng nghe ý kiến của các đại diện những tổ chức dân chủ là những biện pháp nào cần sự giúp đỡ và Hoa Kỳ có thể làm được gì để hỗ trợ cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam“. Bên cạnh nội dung dân chủ và nhân quyền mà Tổng thống Bush quan tâm, nhiều nguồn dư luận đánh giá rằng cuộc hội đàm tại phòng bầu dục của Nhà Trắng này còn là một lá thư không niêm gửi đến ban lãnh đạo Hà Nội về loạt bài báo gần đây vu cáo cho Việt Tân là một tổ chức phản động khủng bố.
§ Ngày 05-6-2007, tại Hội nghị Praha về dân chủ toàn cầu, tổ chức tại Tiệp Khắc, Ông Bush nói: “Trong con mắt của Hoa Kỳ, những nhà đối kháng dân chủ hôm nay sẽ là những lãnh đạo dân chủ của ngày mai. Vì vậy chúng tôi đang tiến hành nhiều bước mới để củng cố sự hỗ trợ của chúng tôi“.
§ Ngày 12-6-2007, nhân dịp khánh thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản tại thủ đô Hoa Kỳ, ông Bush đã lên án tội ác Cộng sản một cách nặng nề.
§ Ngày 14-06-2007, Phó tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney đã có buổi hội đàm với Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, đại diện Phong Trào Dân Chủ Việt Nam.
§ Trong hai ngày 19 và 20-6-2007, các dân biểu Mỹ gốc Việt Trần Thái Văn, Hubert Võ đã tập họp một phái đoàn 15 người đến gặp các nghị sĩ, dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ và các giới chức cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Mậu dịch Hoa Kỳ.
§ Ngày 20-6-2007, một ngày trước khi gặp CTN Nguyễn Minh Triết, bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gặp gỡ Pháp sư Thích Giác Đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích , Ủy ban Điều hợp Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam; và ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân; với sự tham dự của nữ dân biểu đảng Dân Chủ Loretta Sanchez. Theo ông Điềm, nội dung trao đổi với bà Pelosi chỉ giản đơn là những đòi hỏi về sự thăng tiến và ngang bằng giữa Quyền Làm Ăn với Quyền Làm Người cho nhân dân Việt Nam.
Về phía VN, Chính phủ và Nhà Nước ta cũng đã lần lượt thực thi các yêu cầu tiên quyết của Mỹ là: “Với đợt bàn giao chiều 8/3 tại Đà Nẵng, đến nay phía Mỹ đã đưa về nước 859 bộ hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh VN“. Quan trọng và gần gụi hơn với thời sự nhân quyền, là trả tự do tức khắc cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình và Luật sư Lê Quốc Quân, trước khi CTN Nguyễn Minh Triết lên chiếc chuyên cơ bay sang Mỹ.
Bâng Khuâng Xa Mã – Nửa Chiều Quân Vương
Dù vậy, Mỹ vẫn lạnh lùng, không chiêu đãi CTN Nguyễn Minh Triết đúng theo nghi thức đón tiếp quốc khách ở hàng nguyên thủ quốc gia. Không có 21 tiếng súng chào mừng hay duyệt hàng quân danh dự (ngại khơi nhớ những ngày binh lửa?). Không được trải thảm đỏ đón tiếp (e rằng trùng màu quốc kỳ của khách?). Không có thông cáo chung sau buổi hội kiến với tổng thống Mỹ (có thể vì còn khác biệt quan điểm Đông-Tây về ý niệm nhân quyền chăng?). Không được đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội (vì ngài Chủ tịch nước VN đã gặp bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ?). Không có quốc yến cho buổi tối mà chỉ được đãi món cá vược (dễ nuốt hơn cá basa?). Cũng không được nghỉ đêm ở phòng dành riêng cho quốc khách trong Nhà Trắng như ông Tony Blair chỉ mấy tuần trước đó. Nói chung là tất cả đều có những lý do riêng của nó chứ không hẳn chỉ giản đơn gộp chung là …không xứng đáng!
Chưa hết, CTN của ta còn phải vất vả thay đổi lịch trình và lộ trình liên tục để đánh lạc hướng các đoàn người biểu tình bủa vây phản đối; đến mức phải hủy bỏ dự định tham dự ủng hộ tinh thần phiên tòa kháng án vụ thuốc khai quang màu da cam; sau đó lại phải hủy bỏ luôn cuộc họp báo đã dự trù. CTN của ta đã chẳng màng chuyện đi xe không trương quốc kỳ đúng theo nghi thức ngoại giao; cũng không quản ngại đi tắt cửa hậu vào những nơi cần vào.
Từ New York, phóng viên Nguyễn Hùng của đài BBC đã tường thuật rằng: “Để đi vào khách sạn ở New York, ông Nguyễn Minh Triết phải đi nhanh vào một con đường nhỏ được phủ kín bởi những lớp vải, giống như ông Triết đương chui vào ống cống để vào khách sạn. Tôi chỉ chụp được một tấm hình với cái lưng của ông Nguyễn Minh Triết“.
Đã vậy, hệ thống Homeland Security hậu khủng bố 11-9 dày đặc của Mỹ còn để cho lọt lưới hai “tên phản động”, một Mỹ chính gốc và một Mỹ gốc Việt, lớn tiếng cắt ngang bài thuyết trình cổ võ đầu tư của CTN Nguyễn Minh Triết.
Những sự cố hết sức đáng tiếc này khiến cho những ai từng nghĩ rằng CTN Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “những con gà công nghiệp của Mỹ” đã phải suy nghĩ lại. Hoặc, trong chuyến Mỹ du vào tháng 9 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nỗ lực chứng tỏ điều đó một cách tích cực hơn để gỡ thể diện trong BCT. Ít ra là cũng phải đề bạt ngay chức Phó thủ tướng cho đương kim Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân, một người từng tốt nghiệp đại học danh gia thế phiệt Harvard của Mỹ và nói tiếng Mỹ không cần ngập ngừng đợi thông dịch từng câu như ngài CTN, cho dù ông Nhân chỉ mới làm bộ trưởng được hai năm nay.
Sóng Nhịp Lẻ – Đò Sang Lệch Chuyến…
Bên cạnh những vất vả liên tục đó còn là những cuộc họp báo của lãnh đạo giới lập pháp Hoa Kỳ, và những chất vấn đặt thẳng ra với CTN Nguyễn Minh Triết:
Ngày 21-6-2007, dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ họp báo tại phòng Báo Chí của Hạ viện, cảnh cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền leo thang tại VN. Dân biểu Zoe Lofgren cho biết đã đệ nạp nghị quyết HR506 yêu cầu thu hồi quy chế Ngoại thương Bình thường & Vĩnh viễn (PNTR), và đưa Việt Nam trở vào danh sách Các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC).
Dân biểu Dana Rohrabaker cho rằng Hoa Kỳ đã lầm lỗi khi bỏ phiếu thuận cho CSVN gia nhập WTO, và nhấn mạnh rằng “Tôi không ngờ Tổng thống Bush lại nói chuyện với chính quyền băng đảng Việt Nam“. Dân biểu Chris Smith lên án nặng nề sự cố nhà nước CSVN đã tung ra một cuộc đàn áp đồng loạt có hệ thống đối với những người ủng hộ dân chủ ở VN.
Dân biểu Ed Royce, một bạn thân của Ts Nguyễn Thanh Giang, đã phóng thật lớn tấm hình lịch sử của Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trong phiên tòa ngày 30-3-2007 ở Huế, đặt trước ống kính truyền hình quốc tế trong buổi họp báo. Ông cho biết những tấm hình này sẽ được gửi đến Tổng thống Bush và các bạn đồng viện, để toàn thể các cơ quan lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ biết rõ sự thật về tình trạng tự do dân chủ bị bóp nghẹt tại Việt Nam.
Cũng trong ngày 21-6-2007, theo hồ sơ lưu của quốc hội Hoa Kỳ, trong một buổi họp thân mật tại Capitol Hill, CTN Nguyễn Minh Triết đã được Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng một số các nhà lập pháp cao cấp Hoa Kỳ tận tình chiếu cố, truy vấn đến tận cùng suốt bốn tiếng đồng hồ về vấn đề nhân quyền bị vi phạm trầm trọng ở VN, tới mức điều này trở thành mục tiêu chính của buổi họp, khiến CTN của ta phải liên tục tránh né và không thể đề cập được chút gì về lãnh vực thương mại. Trong cuộc phỏng vấn sau buổi họp này, chính dân biểu Ed Royce đã xác nhận với báo giới thái độ tránh né của CTN Nguyễn Minh Triết.
Mẩu Càn Khôn Lăn Lóc – Gào Thét Sóng-Hoa-Văn
Thái độ “hữu nghị” vừa lạnh vừa nhạt và chủ tâm xỉ vả liên tu bất tận như bom trải thảm của Mỹ đối với một Chủ tịch nước như vậy quả thực là có phần khiếm nhã. Xin được chia sẻ sự cảm thông ở đây với CTN Nguyễn Minh Triết, đồng thời, cũng thấy cần phải vinh danh sức chịu đựng bền bỉ của ngài Chủ tịch. Tuy nhiên, nếu công tâm nhìn lại lần lượt quá trình hoạt động phi nhân phi pháp của Đảng và Nhà nước ta từ Hội Nghị APEC 14 tới nay, người ta có thể hiểu được ý nghĩa của câu ngạn ngữ “Nhân Nào – Quả Đó”, dù rằng không một ai dám chắc nhà nước Mỹ sẽ long trọng trao tặng nhà nước VN bốn chữ vàng đại tự theo truyền thống Bắc Kinh.
Đây là một kinh nghiệm lớn mà ngài CTN đã gặt hái được, bởi qua đó, cả người khiếm thị cũng phải thấy ra giá trị của hai chữ “chủ quyền” không chỉ giới hạn trên mặt địa dư lãnh thổ, mà còn cả trên mặt sỉ diện nữa. Có người cho rằng đây là cái nhục quốc thể. Có người lại công khai bất đồng chính kiến trên đài Chân Trời Mới: ngài Chủ tịch không do dân bầu, tức không phải đại diện của quốc gia, thì không thể gọi đó là mối nhục quốc thể, nếu có thì đó chỉ đơn thuần là những hành động làm nhục đảng thể của ngài.
Gì thì gì, khi mà lãnh đạo ta chưa tự mình gột bỏ được tâm thức nô lệ và tập quán cầu cạnh, thì khó mà trách kẻ khác chỉ coi mình đáng hạng tay sai, cho dù phần thưởng có thể là những củ cà rốt dài gần bằng cây gậy. Mới hay, từ Chống Mỹ Cứu Nưóc tới Lạy Mỹ Cứu Đảng là một khoảng cách tương đương với bề dày sợi chỉ đỏ xuyên suốt XHCN.
Điều đáng phiền không ngừng ở đó. Ngay cả phản ứng của ngài CTN và phái đoàn của ta, trước khi, trong khi, thậm chí cả sau khi đem chuông đi đánh xứ người, cũng có lắm điều, nói theo cách của Ts Nguyễn Thanh Giang, là quả thực rất đáng phàn nàn.
Tổ Quốc Tôi – Nhức Nhối Yếm Son…
Ghi nhận đầu tiên về sự đáng phàn nàn có lẽ phải là lời giới thiệu đất nước không mấy khéo của CTN Nguyễn Minh Triết nhằm thu hút doanh nhân và du khách nước ngoài đổ tiền vào VN, với chủ điểm chính yếu và chính thức là hãy đến để thưởng thức những cô gái VN duyên dáng thướt tha. http://www.youtube.com/watch?v=Se5toEsmmuc . Có phải đây là trọng tâm của những chiến dịch Duyên Dáng Việt Nam mà BCT đã chỉ thị tung ra thế giới năm châu gần đây, khởi đầu là ở Sydney và Canberra, nay được CTN chính thức mở đường sang Mỹ?
Ta đã từng thắng Mỹ trong trận chiến máu xương bằng B40 với súng AK. Lần nay, ta định thắng Mỹ trong trận chiến kinh tế bằng …những cô gái chân dài chăng?
Trong thực tế, VN đã có nhiều tai tiếng trên thế giới về vấn nạn cô dâu Đài Loan; bán gái sang Campuchia, Thẩm Quyến, Macau… (mà hệ thống truyền hình NBC của Mỹ đã từng làm phóng sự); và ngay cả tình trạng gái nhảy, mại dâm chính thức và trá hình trong nước (mà Tổng thống Bush đã chuẩn chi ngay món tiền viện trợ 3 triệu USD để bài trừ HIV/AIDS). Nay, với lời khuyến mãi chân thành mộc mạc của CTN Nguyễn Minh Triết, cái nhìn của thế giới về VN sẽ dễ dàng nghiêng qua góc cạnh khích dục ở tầm quốc gia, và có thể khiến cho cử tọa nghĩ ngay đến một thang giá rất hời. Từ lao động bèo tới mại dâm bèo nào có mấy xa?
Tất nhiên không ai muốn dùng chữ ma-cô đầu gấu, nhưng liệu là những người nghe tại chỗ, và cả những người nghe lại như học giả Carl Thayer, sẽ đánh giá đảng và nhà nước ta thế nào xuyên qua cách tiếp thị sỗ sàng và phương thức khuyến mãi thiếu nhân cách của vị lãnh đạo cao nhất nhì nước ta? Hay, nhân phẩm của dân ta cũng khác với nhân phẩm của cộng đồng thế giới và không có bất kỳ một ai được xen vào nội bộ của ta về điều đó?
Chỉ mong rằng Jetabout Asia Vacation và các đại công ty du lịch của Mỹ sẽ không trích lời quảng cáo của CTN Nguyễn Minh Triết trong các tờ rơi tiếp thị của họ. Cũng mong rằng đây không phải là một tiền lệ cho người cầm đầu phái đoàn công du kế tiếp đi ra nước ngoài để quảng cáo về chất lượng thuốc phiện, hồng phiến và bạch phiến ở thung lũng Điện Biên nổi danh lừng lẫy của ta. Sau cùng, rất mong ông Carl Thayer không coi đó là thành tích đối ngoại mới nhất của ông Triết giúp VN hòa nhập (hay hòa giống) với thế giới bên ngoài.
Chĩnh Nước Gốc Cau – Ôm Khoanh Trời Cũ…
Phóng viên Tuấn Nguyễn của VietnamNet đã đưa tin về hoạt động tiếp cận một số Việt kiều ở New York ngày 18-6-2007 với bài viết có tựa đề “Chủ tịch nước: Bảo vệ nhân quyền“. Chỉ ít giờ tồn tại, bài viết này đã được ban biên tập điều chỉnh tựa đề lại là “Chủ tịch nước: Miễn thị thực cho kiều bào kể từ 1-9-2007“. Không ai nỡ nghĩ đến chiến lược móc câu của đảng. Người ta chỉ đơn giản ức đoán rằng chủ ý của đảng có lẽ ở chỗ nhấn mạnh đến điều “đặc ân-đặc miễn” (quen thuộc trong thời bao cấp) hơn là bắt bớ (từ thời bao cấp tới giờ)?
Cũng trong bài này, khi nhận định về độc đảng-đa đảng, ông Triết đã tự gợi ý và trình bày bằng một lý luận rất bình dân: “Hôm rồi, nhà báo Mỹ Paul hỏi tôi một câu hỏi khó rằng Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong tương lai, chúng ta có thực hiện đa đảng không? Tôi nói như ông thấy, bên Mỹ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bên Pháp rất nhiều Đảng. Vừa rồi qua Thụy Sỹ thấy nước này cũng nhiều Đảng lắm. Nhưng tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều Đảng hơn, chứ không phải chỉ hai Đảng“.
Nếu đây không phải là bài bản mà BCT buộc CTN Nguyễn Minh Triết học thuộc lòng trước khi đi, thì qua lý luận đó, ông Triết đã biểu hiện sự nhầm lẫn hoặc thiếu kiến thức phân biệt cấu trúc số với cấu trúc cơ chế quốc gia của riêng ông, khi so sánh hệ thống lưỡng đảng và đa đảng phái tại nhiều nước và sau đó đề cập tới cả địa vị nữ hoàng tại Anh Quốc để biện minh cho lý do cấm đoán hoạt động của mọi đảng phái khác tại Việt Nam.
Nhiều phần, chẳng ai nỡ nghĩ rằng CTN của ta chỉ biết cộng trừ nhân chia các con số là hết mức. Người ta chỉ dám đoan chắc rằng ông Triết chưa hẳn đã có được những kiến thức căn bản về sự phối hợp các thành tố không thể thiếu của một nền dân chủ đích thực, bao gồm: Ý thức dân chủ của người dân, Môi trường dân chủ của xã hội và sau hết mới là Cơ chế dân chủ của quốc gia, trong đó có sự hiện diện của đa đảng và tam quyền phân lập để cân bằng và kiểm soát toàn bộ cơ chế.
Còn ở đoạn giải thích cho lý luận vừa kể áp dụng vào chế độ độc đảng ở VN, ngài CTN Nguyễn Minh Triết đúc kết rằng: “Rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận“. Đúng! Chỉ khác ở chỗ là tất cả các dân tộc ngoài VN đều chấp nhận thể chế chính trị của nước họ thông qua Trưng cầu Dân ý hoặc bầu cử bằng lá phiếu thật của mỗi cử tri. Cũng đúng luôn, như lời giải thích thêm của ngài CTN: “Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp“. Quan trọng là ở chỗ ai chọn: Dân tự chọn hay đảng chọn dùm? Ngắn gọn: Dân chủ hay không là ở đó. Không thể dùng cụm từ “điều kiện lịch sử” mập mờ để phô ý ẩn dụ về một loại sứ mạng tự phong và phi dân tộc nào đó. Còn chữ “mình” được dùng hai lần trong mệnh đề thiếu trong sáng này có tác dụng nhân đôi tính nhập nhằng cao cấp pha lẫn tính đểu cáng hạ cấp!
Dường như Kỹ sư Đỗ Nam Hải đã từng trình bày rất rõ về điểm này trong rất nhiều bài viết. Lãnh đạo ta ngại đọc, không muốn đọc, đọc không hiểu, hay hiểu rất rõ mà vẫn duy ý chí và coi thường dân trí bằng những đúc kết tương tự vừa kể, chỉ để gia hạn cái chỗ ngồi?
Xa Là Trời Sao – Gần Là Đom Đóm…
Ở New York, CTN Nguyễn Minh Triết, trong cơn xúc động, đã bảo rằng: “Cộng Đồng Người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là máu của máu Việt Nam”… Rồi lặp lại, “Cộng Đồng người Việt ở nước ngoài là khúc ruột ly hương ngàn dặm“…. Hóa ra, ngài CTN dù nói tiếng Mỹ không trôi, nhưng có lẽ cũng ít nhiều biết đọc tiếng Pháp. Ông Bảy Trấn, trên một trang báo Người Sài Gòn trước đây đã dẫn chứng câu “là máu của máu” từ một danh nhân Pháp, để nói tới những người cóp lại, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoặc giả, ngài Chủ tịch đương nhiệm không rành cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Pháp, và cứ ngỡ rằng đó là danh ngôn của Bác chăng? Chuyện nhỏ! Dùng một câu nói cho kêu của người khác, đúng là chuyện nhỏ. Chỉ có làm ra vẻ như điều cóp nhặt đó là do chính mình chế ra mới là đáng xấu hổ, nếu còn khả năng xấu hổ.
Cũng không có gì đáng nói về sự khác biệt trên cái nhìn thống nhất của lãnh đạo ta về bọn lưu manh đĩ điếm lưu vong trước đây với một “Cộng Đồng Người Việt” (viết hoa) cùng huyết thống đang ly hương ngàn dặm ngày nay. Quy luật thôi. Nhất là trong thời buổi “đèn cờ mạt vận chờ sọt rác” hôm nay mà có được một số ngoại tệ từ nước ngoài gửi về hàng năm cao gấp năm lần giá trị dầu thô bơm từ lòng biển, cao hơn cả tổng lượng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Âu châu gộp lại hồi năm ngoái, thì sá gì một cụm từ thân mật để biểu diễn sự xúc động cần thiết! Sự xúc động đó đã dâng lên cao điểm khi ngài CTN biểu hiện sự lo lắng “băn khoăn khi tiếng Việt của bà con đang mai một” trong “Cộng Đồng Người Việt” ở nước ngoài, nên đã chỉ thị cho Đại sứ quán của ta ở Mỹ phải sớm xúc tiến “các hoạt động học tiếng Việt” cho bà con ta bên đó.
Có đáng nói chăng là thái độ trốn chạy, đi ngược lại nỗi xúc động vừa kể, trên đường kiều vận của ngài CTN Nguyễn Minh Triết và cả phái đoàn có sứ mạng lớn lao là những sứ thần của VN ta. Trốn chạy từ New York qua tới California. Thật khó hiểu biết bao, là với thanh thế như vậy mà sao rốt cục phái đoàn chỉ có thể bịa chuyện tiếp xúc với một vài người rồi thổi phồng lên thành tập thể? Nhìn vào con số vài ba Việt kiều trong đám thực khách 100 người ở Asia Society với phần lớn là doanh nhân Á Đông, trong lúc có hàng ngàn người Việt tập họp ở bên kia đường, mà ngài Chủ tịch không dám bước qua bắt tay hay chào hỏi, thì người đọc biết ngay, làm sao phỉnh họ được? Đáng tiếc là điều này cứ tiếp diễn, lặp lại ở khắp nơi mà ngài CTN đi qua. Kể cả Washington DC là mặt trận đối ngoại trọng yếu. Kể cả Quận Cam là mặt trận kiều vận chính yếu. Mà sao phái đoàn chỉ cốt lo sao cho có những bài báo đánh lừa độc giả trong nước, như thể là, sau thủ đô nước Mỹ, phái đoàn đã có điều kiện đặt chân đến thủ đô tỵ nạn của bể “máu của máu Việt Nam” ở Mỹ, vậy thôi?
Mà cũng không cứ gì người Việt ở ngoài phái đoàn bị quên lãng. Ngay trong đoạn mở đầu bài diễn văn mồi chài ở New York, ngài CTN đã chào hỏi tuy niềm nở nhưng không thiếu phần cung kính đối với ngài Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Marine, trong khi quên phứt ngài Đại sứ Việt Nam tại Washington Nguyễn Tâm Chiến đang ngồi cùng bàn. Cho dẫu ông Nguyễn Tâm Chiến có từng nổi danh là “Lãnh Sự Sờ Mông” ở Hồng Kông trước đây đi nữa, thì dù gì cũng thể, cũng là một lãnh đạo của Nhà Nước ta ở giữa quần chúng, lại nằm ngay trong sân chơi nhà người, không thể không nhắc đến như vậy được!
Và có đáng phiền nữa chăng là đài Truyền Hình VN đã phát hình cùng nguyên văn lời khẳng định chắc nịch của ngài CTN Nguyễn Minh Triết trong bối cảnh một buổi họp nhỏ, thân mật và giới hạn ở New York, rằng: “Những đối tượng trong nước nhận tiền những cá nhân, tổ chức nước ngoài là vi phạm pháp luật“. Có nghĩa là, trong số ngoại tệ nhiều tỷ USD của kiều bào gửi về nước hàng năm, những tờ giấy trăm rơi vào tay những nhân vật từng viết kiến nghị gửi lãnh đạo đảng, thì tức khắc đều biến thành “bằng chứng” để lãnh đạo ta kết án và bỏ tù họ. Lãnh đạo chứ không phải luật pháp.
Như vậy, để giúp đỡ một cách thiết thực cho mọi đối tượng trong nước không bị vi phạm pháp luật vì đã nhận tiền những cá nhân hay tổ chức nước ngoài, có nên chăng, “Cộng Đồng Người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là máu của máu Việt Nam“, bao gồm cả những cá nhân và tổ chức, hãy Lập Tức Ngưng Ngay việc gửi tiền gây họa cho mọi đối tượng nhận tiền ở trong nước?
Có vậy, bà con sẽ không bao giờ nghe những lời than phiền từ nhiều triệu “nạn nhân nhận tiền” đang ở trong nước, một khi mà bà con thực thi lời kêu gọi của CTN Nguyễn Minh Triết nhằm triển khai nghị định 36: “Bà con hướng về Tổ quốc với niềm tin vì Đảng này vì nhân dân, từ nhân dân mà ra, và nếu có vấn đề gì thì góp ý thẳng thắn, thật tình; mong bà con thường xuyên về lại với quê hương, Tổ quốc“. (Xin bà con thứ lỗi cho cách sắp xếp chữ VN không mấy “sõi” trong lời kêu gọi này của CTN, đăng trên VietnamNet ngày 19-6-2007).
Nghị định 36Bis triển khai này còn được cập nhật tại chỗ bởi ba phần thưởng lớn đính kèm (như những món quà thân tình của CTN): Một là “Kể từ 1/9/2007, bà con kiều bào khi về nước sẽ được miễn thị thực” (người sao chép xin phép thêm vào chữ “visa” cho đủ nghĩa). Hai là “Về vấn đề nghĩa trang của binh lính chế độ Sài Gòn cũ ở Bình Dương, Chủ tịch cho biết, gần đây, Nhà nước đã chuyển khu nghĩa trang này cho dân sự quản lý. Vì thế, bất cứ bà con nào có thân nhân ở đó đều có thể về thăm, tu sửa” (CTN đã quen nói năng mộc mạc chân thành như vậy, bà con nghe rõ và hiểu cả chứ?). Và ba là “Nhà nước cũng đang có kế hoạch tạo điều kiện để bà con muốn về mua nhà cửa sẽ thuận lợi hơn“. Nói chung, như CTN khẳng định: “Sẽ cố gắng làm để bà con có điều kiện về quê hương đất nước, xây dựng quê hương“. Nhưng, xin bà con rán nhớ là đừng làm phiền (cho tiền và gây họa) cho bất kỳ ai ở trong nước!
Mặt Đất Tròng Trành – Ma Hoa Nhảy Múa…
Câu nói “Việt Nam là một đất nước, chứ không phải là một cuộc chiến tranh“, trong nhiều năm, được coi như biểu tượng cho quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Tác giả câu nói đó là cựu Đại sứ VN ở Bangkok và cũng là cố Thứ trưởng Ngoại giao VN Lê Mai, trưởng nhóm đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ trong những năm đầu thập kỷ 90. Chỉ tiếc là ý nghĩa của nó đã mất gần 20 năm để trôi tới Washington DC.
Thêm gần 20 năm sau nữa, 2007, ngài CTN Nguyễn Minh Triết để lại Washington DC một ấn tượng mạnh mẽ khác, mà nếu chuyển sang Việt ngữ, đại khái nó sẽ là: Hà Nội vừa là một địa danh tươi đẹp, lại vừa là biểu hiện đặc tính tráo trở của bộ phận lãnh đạo tối cao một nhà nước. Vì sao vậy?
Trước hết là sự tráo trở đối với dư luận Mỹ. Kết quả APEC 14 là những hứa hẹn tươi đẹp. Tương tự với những bước cuối của VN vào WTO. Tuy nhiên, bốn tháng qua ở VN là một giai đoạn sấm sét đối với những nhân vật chủ trương đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa VN một cách ôn hòa. Các cơ quan nhân quyền quốc tế đánh giá rằng đó là 4 tháng tồi tệ nhất của nhân quyền VN trong 20 năm qua. Trước khi CTN Nguyễn Minh Triết đi Mỹ.
Sau những buổi họp tràn đầy những hứa hẹn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Peloci rồi với Tổng thống Mỹ George W.Bush, ngài CTN Nguyễn Minh Triết nhận lời phỏng vấn của hãng thông tấn Associated Press (AP). Ký giả Foster Klug đã đặt tựa cho bài viết ngày 22-6-2007 này là: “Lãnh đạo VN tuyên bố: Không cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền“. Qua đó, nhiều triệu độc giả Mỹ được biết rõ hơn về lãnh đạo Hà Nội khi CTN Nguyễn Minh Triết lặp lại lần nữa: “Vấn đề không phải là cải thiện (nhân quyền ở VN) hay không. VN có một khung sườn luật pháp riêng, và bất cứ ai vi phạm đều bị trừng phạt“. Nhờ đó mà người Mỹ, kể cả chính giới lẫn báo giới, đều phải tìm hiểu và có khi đã rõ là VN có nhiều hơn một khung sườn luật pháp. Điều mà ngài CTN nhắc tới đó một khung sườn luật pháp dành riêng cho dân đen và những nhân vật đấu tranh cho dân chủ. Đảng ta còn có một khung sườn luật pháp riêng khác nữa, dành cho cán bộ từ cấp thấp nhất cho tới cấp thứ trưởng, có tên là Xử Lý Hành Chánh. Khung sườn sau cùng dành riêng cho cấp thứ trưởng trở lên được gọi là Tabu, có nghĩa là không được nói tới, đụng tới.
Dân biểu Ed Royce tuyên bố rằng: “Nhân quyền rõ ràng là vấn đề nổi cộm nhất. Chúng ta phải nhìn thấy một sự chấm dứt về lối hành xử này nếu muốn quan hệ (giữa hai nước) được phát triển“.
Ông Sherman Katz, một nhân vật cao cấp về quan hệ thương mãi quốc tế của Cơ quan Hỗ trợ Hòa bình Thế giới Carnegie nói rằng Việt Nam “phải biết rằng một phần của cái giá để làm ăn với Hoa Kỳ, nếu mong muốn được chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ, là hãy làm cho sạch sẽ những vấn đề nhân quyền này“.
Nẻo Ao Vườn – Bao Rãnh Bẩn Thèm Trôi…
Sau đó là sự tráo trở đối với nhân dân Việt Nam. Báo chí ở đây đưa tin: “Trong phụ trương đặc biệt của nhật báo kinh tế uy tín hàng đầu nước Mỹ (Wall Street Journal) với lượng phát hành 2,2 triệu bản, Việt Nam được giới thiệu là ngôi sao mới đang lên của châu Á với những thành tựu mới về kinh tế, sự thay đổi vị thế trên trường quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài“. Bạn đọc ở đây không phải ai cũng có thể truy cập internet nên rất dễ tin rằng đó là bài báo chính quy của tờ Wall Street Journal.
Trên thực tế, đó là bài cậy đăng rất mắc tiền (có người rành chuyện cho biết có thể lên tới 2 tỷ đồng VN cho 3 trang cậy đăng, một ngày), nói nôm na là quảng cáo, từ trang B13 đến B16 của số báo ra ngày 20-6-2007, có ghi hàng tít trên cùng là “Special Advertising Section” để phân biệt với bài chủ lực. Nguyên trang B16 là quảng cáo của ngân hàng nông nghiệp Agribank. Ba trang kia có chêm thêm 2 mẩu quảng cáo của hãng bia Hadita và công ty du lịch Jetabout Asia Vacation. Phần còn lại là những bài tuyên truyền tự viết sẵn của người cậy đăng, bao gồm luôn cả 2 bản tin của báo Thanh Niên.
Người cậy đăng ở đây là phái đoàn công du của ta. Tuy nhiên, người trả tiền cậy đăng là công ty tài chánh đối tác Agribank. Những mánh khóe lừa phỉnh tương tự có thể được áp dụng trên cả một số báo nổi tiếng khác ở Mỹ, kể cả tờ Washington Post hay tờ New York Times. Họ sẵn sàng đăng bất cứ bài viết gì của bất cứ ai dưới danh mục “Quảng Cáo Đặc Biệt”, miễn là người cậy đăng trả tiền tươi. Điều xấu hổ tầng một ở đây là nhà nước ta chủ trương đánh lừa nhân dân trong nước bằng một thứ vốn liếng văn hóa ma mãnh. Điều xấu hổ tầng hai ở đây là báo chí trong nước lại rạp người chuyên chở cái chủ trương lừa phỉnh đó đến độc giả của mình.
Ghếch Bóng Chĩnh Tương – Con Vằn Say Bả
Một phỉnh lừa khác dành cho nhân dân ở đây, chính là màn tấu hài có sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Cao Kỳ ở Quận Cam. Báo chí bên đó, từ rất lâu, đã có rất nhiều bài viết về vị chính khách mạt vận trở cờ này. Chẳng ai còn coi ông ta là người Việt, nói gì là một cựu lãnh đạo. Trên thực tế hơn ba thập kỷ qua, ông Kỳ không lãnh đạo được ai, cũng chẳng còn một đàn em tùy tùng nào, đừng nói là bạn. Ông không nghĩ ra được điều gì cho có hồn, mà cứ hễ mở miệng là mọi người phải bịt mũi. Ông ấy đã chết từ 1975. Người miền Nam có thể bực ông Thiệu, nhưng người ta chỉ khinh ông Kỳ. Nếu ông ấy chết thật từ năm 1975 có lẽ còn hay hơn. Do vậy, những phát biểu của ông Kỳ chẳng có giá trị gì ngoài đó, chỉ khiến người nghe phải rửa tai.
Nhiều người trong nước, dù khác chiến tuyến với ông Kỳ trước đây, cũng cảm thấy sỉ nhục khi có một hàng binh lơ láo như ông Kỳ về đầu quân. Những người còn chút liêm sỉ đều như vậy, bất luận là quốc gia hay cộng sản. Ngoại trừ lãnh đạo ta. Chó chết chẳng để da. Cái sai của lãnh đạo ta nằm ở chỗ tưởng rằng vẫn còn xài được chút gì từ một kẻ vô liêm sỉ. Xài ông ấy trong cảnh chót của vở hài ở Quận Cam là không đáng cái vé máy bay, có khi lại gây phản cảm: Chỉ có kẻ thậm ngu mới xài thằng phản, huống gì đó là một thằng phản cực tồi.
Những lời vô sỉ của ông Kỳ có lẽ đã làm nhiều người mất khẩu vị trong bữa ăn rất đắt tiền vé vào cửa ở St Regis Resort hôm đó. Bởi đã có người vừa nghe lời phát biểu của ông Kỳ xong là ứng khẩu đọc ngay một câu thơ của cố thi sĩ Vũ Cận: “Đừng bao giờ trung tiện cao quá hậu môn“, kỳ lắm.
Rất tiếc là đã có người chụp ảnh và có người chú thích cái bắt tay giữa một kẻ chuyên đi chui bằng cửa hậu với một đứa chuyên phóng uế bằng cửa trước.
Con Đom Đóm Soi Đèn – Tìm Dấu Hoa Văn…
TIFA là chữ viết tắt của Trade and Investment Framework Agreement, có nghĩa là Hiệp ước chung cho hoạt động Đầu tư và Giao thương. Những hoạt động này bao gồm luôn cả quy trình hợp tác, kiểm soát và tranh tụng giữa các nước giao thương trong khuôn khổ hiệp ước. Mỹ đã ký chung với khối ASEAN một hiệp định khung TIFA vào tháng 9-2006, rồi ký song phương với từng hội viên trong Hiệp Hội ASEAN, ngoại trừ Việt, Miến, Lào.
Lý ra VN đã có thể ký song phương với Mỹ hiệp định khung này từ giữa tháng 3 vừa qua, lúc Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm sang Washington DC để làm việc với Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, BCT ta đã để dành việc ký kết này tới tháng 6, hầu giúp việc tuyên truyền về chuyến công du của CTN Nguyễn Minh Triết cho …thêm phần long trọng.
Theo phân tích của Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, thì trên thực tế, Khung hiệp ước TIFA này không quan trọng như lãnh đạo ta đã nghĩ hay đã cố làm cho việc ký kết nó trở thành một kết quả quan trọng. Nó chỉ là viên gạch lót đường cho 3 hiệp ước kế tiếp mới thực sự quan trọng. Đó là 1) BIA, hiệp ước đầu tư song phương; 2) PTA, hiệp ước ưu đãi giao thương; và 3) FTA, hiệp ước giao thương tự do.
Đan xen với 3 hiệp ước song phương này là một quy chế nhiều lần tốt hơn cả Tối Huệ Quốc hay các ưu điểm của WTO. Đó là Quy chế Ưu đãi Thuế quan, General System of Preferences viết tắt là GSP. Theo đó, một số quốc gia nghèo được Mỹ ưu đãi miễn thuế cho một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ trong một thời gian hạn định nào đó. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để nhận là các quốc gia nghèo đó phải không là cộng sản hoặc không chứa quân khủng bố, đồng thời, phải chấp nhận các sinh hoạt tự do lập hội tự quản và công đoàn độc lập; phải cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lao động và bảo vệ môi sinh.
Có thể CTN Nguyễn Minh Triết đã được nghe qua về quy chế ưu đãi GSP trong chuyến công du này. Hy vọng VN sẽ điều chỉnh tốt và chuẩn bị kịp để đăng ký vào tháng 6 năm tới.
Dư Âm Lịch Sử – Rì Rầm Chân Tháp Đổ…
Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA hôm thứ Ba 19-6-2007, khi được hỏi vì sao con số các hợp đồng giữa VN với Mỹ lại bị bớt đi, ông Murray Hiebert, Trưởng Ban Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Có nhiều cơ hội tại Việt Nam, nhưng nhiều công ty Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam thấy rằng tệ nạn quan liêu được khắc phục hơi chậm. Các công ty cũng nói rằng họ muốn thấy Việt Nam minh bạch hơn, cải tiến chế độ pháp quyền, bảo vệ mạnh mẽ quyền tài sản trí tuệ, và đối phó với những tệ nạn như tham nhũng. Tất cả những thứ đó làm tăng thêm chi phí cho các công ty của Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam, và đó cũng là những điều mà các công ty Mỹ muốn có dịp nói với ông Triết khi ông đến đây. Họ không chỉ muốn nói những điều tốt mà Việt Nam đang làm, mà còn muốn nhân dịp này nói cho ông biết những khó khăn của họ, những điều mà họ thấy không dễ dàng như họ đã tưởng”. Nghĩa là …vẫn để vặn.
Cùng ngày, theo hãng thông tấn AFP, Công ty Daihatsu Motor, một chi nhánh của tập đoàn sản xuất xe hơi Nhật Bản Toyota Motor, cho biết sẽ rút lui khỏi hoạt động sản xuất xe hơi ở Việt Nam, vì bị đánh thuế quá cao, đặc biệt là đối với các phụ tùng xe hơi nhập cảng. Cty Daihatsu đã lựa chọn một thời điểm rất “phản động” đối với nhà nước ta.
Dù sao, những thành quả kinh tế qua những ký kết trên giấy mới đây tại Mỹ cũng rất đáng khích lệ. Sinh dễ-Nuôi khó. Giữ cho được những doanh nhân mới này quả khó, bởi không phải đây là lần đầu tiên thương gia Mỹ vô lại VN sau cuộc chiến. Nhiều công ty Mỹ đã bỏ cuộc trước đây, kể cả Daimler-Chrysler. Càng khó giữ hơn nữa nếu lãnh đạo ta không thực thi các điều kiện cải tổ luật pháp theo đúng luật chơi kinh tế thị trường chính thống, kể cả luật lao động, luật xuất nhập khẩu, luật bảo vệ tác quyền…. Báo chí ở đây trong nhiều thập kỷ qua đã từng đăng rất nhiều bài ca tụng thành quả mồi chài doanh nhân ngoại quốc vào nước, nhưng lại rất lẳng lặng khi họ cuốn gói ra đi, và người Việt chỉ được biết qua báo chí nước ngoài. Hy vọng lần này khác. Mong sao những thành quả ký kết này sẽ khởi động một cuộc cách mạng kinh doanh ở đây cho kịp bước lân bang.
Con Sộp Phùm Vỗ Hão – Bóng Hoa Lay…
Thêm một ghi nhận khác lạ nữa là sau chuyến đi nhớ đời này của CTN, báo chí ở đây quên hẳn tập quán “Điểm Báo Thế Giới” về chuyến công du của lãnh đạo ta. Dư luận quốc tế đã nói gì?
Ngày 11-6-2007, nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborca đã có bài bình luận về hiện tượng Nhà nước VN phải thả tù chính trị theo lời yêu cầu của Mỹ trước chuyến công du của CTN.
Ngày 22-6-2007, hãng thông tấn Ba Lan PAP nhấn mạnh chủ trương của Tổng thống Bush về sự ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ hóa VN, bằng cả lời nói lẫn hành động, cho dù là VN đã phải thả hai tù nhân chính trị trước khi Chủ tịch nước VN sang Mỹ.
Ngày 23-6-2007, tờ Le Figaro của Pháp đề cập đến một nghịch lý ngoại giao: Vì sao khi ông Triết mời gọi du khách và các nhà đầu tư vào VN thì lại bị cử tọa vặn hỏi về chiến dịch càn quét các nhà đấu tranh ôn hòa cho dân chủ ở VN trong suốt mấy tháng qua? Cũng như nhận định của Le Figaro, báo Le Monde trích lời của phát ngôn viên Nhà Trắng rằng, “ông Bush không thể nào không đề cập đến vấn đề đàn áp nhân quyền tại VN“.
Ngày 23-6-2007, tờ Los Angeles Times tường thuật lại cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại tại Dana Point buổi chiều hôm trước, nơi chủ tịch Triết tổ chức nói chuyện và chiêu đãi các doanh nhân. Cô Tina Trần, một sinh viên 19 tuổi, nói với báo LA Times rằng, “phía VN phát triển về mặt kinh tế, nhưng trong lĩnh vực quan trọng nhất, tức là nhân quyền, người dân VN không trở thành ‘giàu có’ hơn”.
Cái Phù Du Giả Chết – Vật Vờ Trôi…
Có hai bài học mà Nhà Nước ta thu hoạch được từ chuyến công du của CTN Nguyễn Minh Triết vừa qua:
Một là Bài học ngoại giao: Thế giới đánh giá chính xác hơn, về xu thế hỗ trợ tiến trình dân chủ hóa của Mỹ, về lộ trình của Việt Nam trong khung cảnh toàn cầu hóa hôm nay, và về vai trò của lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại VN. Điểm gặp của ba bên nhiều phần sẽ ngày càng gần với điểm “khai mở cho dân tộc sinh lộ tự do, dân chủ, đa đảng, đa nguyên mà toàn dân khát mong và thời đại đòi hỏi“, như lời kết lá Thư Ngỏ ngày 26-6-2007 của Khối 8406.
Hai là Bài học “36″: Từ chuyến đi Mỹ của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 tới chuyến công du của CTN Nguyễn Minh Triết 2007, cái nhìn của Nhà nước VN đối với Cộng Đồng Người Việt ở nước ngoài hẳn phải có nhiều thay đổi. Ts Nguyễn Thanh Giang nói đúng: “Ngày nay không thể còn áp dụng mãi thủ đoạn Goben, cứ nói lấy được thì rồi sẽ được nữa“.
Nhìn chung, lời nhận định tóm lược của Giáo sư Âu Dương Thệ và ông Lê Hồng Hà qua buổi phỏng vấn của đài RFA mới đây khá chính xác: “Chuyến đi này diễn ra không được ‘thuận buồm xuôi gió’ mà ngược lại chuyến đi đã bị những trận ‘cuồng phong chính trị’ từ nhiều hướng tấn công“.
Không phải chỉ trước khi CTN Nguyễn Minh Triết tới Mỹ, mà ngay sau khi ông Triết về tới VN, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ lại tiếp đón để chính thức tường trình kết quả cuộc họp thượng đỉnh tại Nhà Trắng cho các đại diện những tổ chức hoạt động dân chủ hóa VN và để thu thập thêm ý kiến của họ.
Rút cục, đối với đảng viên và quần chúng ít thông tin ở đây thì nhà nước ta đạt được một số thành quả hồ hởi nhất định. Đối với ký giả phóng viên trong nước thì bài thu hoạch là cần phải dè chừng vì không thể nhắm mắt vượt mặt hệ thông tin điện tử ngày nay. Đối với thành viên phái đoàn thì cho dù đã thấy ra gần hết sự thật, đối sách tốt nhất vẫn là phải thông báo trong vòng giới hạn. Đối với Trung Ương thì kết quả chỉ ở tầm thấp, lợi bất cập hại. Còn đối với BCT thì chuyến đi này là một trọng điểm khai thác ở nhiều góc cạnh khác nhau cho nhiều khuynh hướng khác nhau.
Hệ quả thấy được ngay là BCT ta phải họp khẩn ngay sau khi CTN Nguyễn Minh Triết về tới Nội Bài. Trọng tâm là 3 điểm chính: 1) Biện pháp đối phó (và “khai thác thành quả” nội bộ) là thay đổi một số nhân sự lãnh đạo; 2) Đẩy mạnh cải tổ đường lối kinh tế cho phù hợp với luật chơi quốc tế; và 3) Phải giải quyết ngay những bức xúc mới tinh, trong đó, sợi dây đu của trò xiếc đối ngoại chòng chành, và quan trọng hơn, VN không thể chỉ là một nước gia công.
28.6.2007
Blogger Đinh Tấn Lực
Chú thích: Tất cả dữ kiện được truy cập từ mạng Google và YouTube. Tất cả tiểu tựa và tựa bài được trích từ tập Xem Đêm của cố thi sĩ Phùng Cung.